Khảo sát, Phát triển các Sản phẩm Tuyến Du lịch sông Hồng năm 2024 – 2025

Mục lục

Ngày 24/12 vừa qua, Công ty Du lịch Sen Thanh đã tham dự Chương trình Khảo sát, Phát triển các sản phẩm tuyến Du lịch sông Hồng năm 2024. Sự kiện thu hút gần 50 đơn vị lữ hành và chuyên gia, nhằm thúc đẩy khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đường thủy dọc sông Hồng.
    
Sự kiện có mặt các Đại diện Sở ban ngành, Doanh nghiệp lữ hành, Chuyên gia Du lịch hàng đầu Hà Nội

Tiềm năng du lịch sông Hồng

Sông Hồng không chỉ là tuyến đường thủy huyết mạch của Thủ đô mà còn sở hữu tiềm năng du lịch vô cùng lớn. Sông Hồng là một tuyến sông dài 556 km, trong đó đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160 km, đi qua 15 quận, huyện. Với gần 30 di tích lịch sử, văn hóa nổi bật như đền Hát Môn, đền Dầm, đền Ghềnh, đình Chèm, và các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng đào Nhật Tân, sông Hồng còn kết nối với các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh. Tuy nhiên, dù có tiềm năng lớn, du lịch sông Hồng vẫn chưa phát triển đúng với kỳ vọng.

Các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia trong buổi khảo sát tại Đền Mẫu Đại Lộ

Thực trạng du lịch sông Hồng

Mặc dù du lịch sông Hồng đã hoạt động từ năm 2004, nhưng sản phẩm này chưa phát triển mạnh mẽ. Du lịch dọc tuyến sông Hồng hiện chỉ chủ yếu do Công ty Thăng Long GTC khai thác, với 6 tour du lịch chính xuất phát từ bến Chương Dương Độ. Mặc dù năm 2023, du lịch sông Hồng chỉ đón 3.000 lượt khách, đến năm 2024 con số này đã tăng lên 7.000 lượt khách, nhưng so với tiềm năng sẵn có, kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Các tour du lịch hiện còn thiếu sự đa dạng và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt là hạ tầng, hệ thống bến cảng, khu dịch vụ đón khách chưa được đầu tư đồng bộ và hiện đại.

 

Khó khăn và thách thức

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, mặc dù có nhiều di tích và làng nghề dọc sông Hồng, nhưng hệ thống giao thông kết nối giữa các điểm tham quan và các dịch vụ du lịch đường thủy còn thiếu hụt. Một số bến cảng đã được đầu tư, như bến gần đình Bát Tràng, nhưng vẫn chưa hoạt động hiệu quả do vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là cầu cảng không đáp ứng được yêu cầu cho tàu thuyền cập bến.

Các chuyên gia như PGS.TS Phạm Hồng Long và Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh đều cho rằng Hà Nội cần quy hoạch lại dọc tuyến sông Hồng, đầu tư hạ tầng và xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp hơn. Ông Quỳnh cũng gợi ý việc hợp tác với các đơn vị để xây dựng các bến tàu đẹp, sạch sẽ, hấp dẫn du khách, đồng thời phát triển các tour du lịch về đêm trên các du thuyền cao cấp.

Thuyết minh chương trình, điểm đến dọc tuyến sông Hồng

Giải pháp và hướng phát triển

Để khai thác hiệu quả du lịch sông Hồng, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành cho rằng cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp lữ hành, như Travelogy Việt Nam, đề xuất cần phát triển các tuyến tàu chạy hằng ngày và xây dựng bản đồ du lịch đường sông để du khách có thể dễ dàng lựa chọn các tour phù hợp. Đặc biệt, cần tạo ra các điểm check-in hấp dẫn, kết hợp các hoạt động giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, cắm trại, và du lịch cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ xây dựng các sản phẩm mới, kết nối các tuyến du lịch thủy để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch bền vững, mang lại giá trị kinh tế, văn hóa cho Thủ đô.

Các Tour liên quan

Các tin liên quan

Đăng Ký Nhận Thông Tin

Luôn được cập nhật về các lời khuyên du lịch, đề xuất và khuyến mãi mới nhất